Hội thảo khoa học: Phương pháp tiếp cận, khung lí thuyết nghiên cứu về nâng cao hiệu quả của chính sách bảo tồn và phát triển dân tộc thiểu số rất ít người

Ngày: 13/11/2018

Sáng ngày 10/11/2018 tại Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên diễn ra Hội thảo Khoa học “Phương pháp tiếp cận, khung lí thuyết nghiên cứu về nâng cao hiệu quả của chính sách bảo tồn và phát triển dân tộc thiểu số rất ít người” thuộc Chương trình KH & CN cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2010 "Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030", CTDT.42.18/16 – 20.

TS. Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, Chủ nhiệm đề tài chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có các đại biểu các đơn vị: Ủy ban Dân tộc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội, Viện Dân tộc học, Viện Nhân học xã hội, Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên, các nhà khoa học và các em sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người hiện đang học tập tại trường Đại học Khoa học.

Phát biểu khai mạc hội thảo của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng nêu rõ: Thực hiện Quyết định số 2356/QĐ-TTg, ngày 04-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược Công tác Dân tộc đến năm 2020, năm 2015, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ban hành Chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” tại Quyết định số 1641/QĐ-BKHCN, ngày 29-6-2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Có thể nói sự ra đời của Chương trình này là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát triển và lớn mạnh trong hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của Ủy ban Dân tộc. Mục tiêu của Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” là cung cấp luận cứ khoa học nhằm giải quyết các vấn đề cơ bản mang tính chiến lược và thực tiễn cấp bách liên quan đến các dân tộc thiểu số, từ đó thực hiện đổi mới chính sách dân tộc đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Hội thảo Khoa học với chủ đề “Phương pháp tiếp cận, khung lí thuyết nghiên cứu về nâng cao hiệu quả của chính sách bảo tồn và phát triển dân tộc thiểu số rất ít người” nằm trong khuôn khổ đề tài "Những giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm nâng cao hiệu quả của chính sách bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người ở nước ta hiện nay" được tổ chức nhằm làm rõ phương pháp tiếp cận, khung lý thuyết nghiên cứu về nâng cao hiệu quả của chính sách bảo tồn và phát triển các DTTS rất ít người ở nước ta hiện nay.

Báo cáo đề dẫn hội thảo do PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái – Chủ nhiệm đề tài trình bày khái quát về DTTS rất ít người ở Việt Nam hiện nay với các đặc điểm về văn hóa tộc người, bối cảnh kinh tế - xã hội và những ảnh hưởng của công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm nảy sinh các vấn đề xã hội trong đời sống tộc người như sự suy thoái giống nòi, tiếng nói, văn hóa truyền thống bị mai một,…Trong giai đoạn từ năm 1960 đến nay, Nhà nước đã triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào các dân tộc, song chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế do thiếu nguồn vốn, định mức thấp trong khi đối tượng lớn, địa bàn thực hiện khó khăn nên việc thực hiện không tránh được dàn trải, thiếu hụt và chưa thực sự đạt được kết quả như mong đợi. Do đó, việc thực hiện những nghiên cứu, đánh giá làm rõ hiện trạng, kết quả, hiệu quả, tác động của các chính sách bảo tồn và phát triển các DTTS rất ít người ở nước ta là rất cần thiết.

Trao đổi tại hội thảo, các nhà khoa học đại diện cho các đơn vị nghiên cứu đã đề xuất đối với đề tài một số vấn đề cần làm rõ như: (1) Làm thế nào để các DTTS rất ít người có thể bảo vệ được bản sắc văn hóa và sử dụng vốn văn hóa của chính họ vào quá trình phát triển? (2) Làm thế nào để nhận diện những yếu tố nguy cơ đe dọa phát triển bền vững và làm phai nhạt bản sắc văn hóa của các DTTS rất ít người? Để đảm bảo tính khách quan, tính hệ thống và độ tin cậy trong kết quả nghiên cứu đánh giá hiệu quả chính sách bảo tồn và phát triển các DTTS rất ít người, bên cạnh các cách tiếp cận truyền thống khi nghiên cứu về khoa học chính sách và dân tộc học, đề tài cần bổ sung cách tiếp cận khu vực học, tiếp cận liên ngành, phương pháp tiếp cận phù hợp văn hóa… có thể là một giải pháp khả thi nhất bởi nó nhấn mạnh tầm quan trọng của vốn văn hóa và vai trò chủ thể của người dân, tìm kiếm và sử dụng vốn văn hóa của địa phương vào trong các chương trình phát triển để đạt được hiệu quả.  

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS. TS. Phạm Thị Phương Thái chân thành cám ơn các đại biểu, các nhà khoa học đã đến dự và đóng góp ý kiến đối với việc triển khai đề tài này. Trên cơ sở các ý kiến này nhóm nghiên cứu sẽ chắt lọc, chỉnh sửa để việc triển khai các nhiệm vụ của đề tài đem lại kết quả cao nhất./.

Một số hình ảnh của Hội thảo:

TS. Phan Văn Hùng – Thứ trưởng – Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc phát biểu khai mạc Hội thảo

 

PGS.TS. Phạm Văn Lợi – Viện Việt Nam học và phát triển – Trường ĐHKHXH & NV – ĐHQGHN trình bày tham luận

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Chính – Trưởng Bộ môn Nhân học phát triển - Trường ĐHKHXH & NV – ĐHQGHN trình bày tham luận

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Chiều –Trường ĐHKHXH & NV – ĐHQGHN trình bày tham luận


GS.TS. Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, GĐ Đại học Thái Nguyên phát biểu ý kiến

 

PGS.TS. Vương Toàn – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội – Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam phát biểu ý kiến.

 

Ông Nguyễn Thái Nam - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên phát biểu ý kiến 

 

 TS. Phan Văn Hùng – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng các chuyên gia, các nhà khoa học, nhóm nghiên cứu và nhóm cộng tác viên là sinh viên DTTS rất ít người đang học tập tại trường Đại học Khoa học.

 

TS. Phan Văn Hùng – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc cùng chủ nhiệm đề tài và nhóm cộng tác viên là sinh viên DTTS rất ít người đang học tập tại trường Đại học Khoa học

 

Tin bài: PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái

Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKH