Có một người thầy như thế

Ngày: 16/11/2017

Kính tặng cô giáo Lê Thị Ngân, giảng viên Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên

Giờ đang là Tháng Tám, khoảng thời gian giao mùa từ Hạ sang Thu. Buổi sáng sớm hôm nay tiết trời se se lạnh, vài tia nắng nhảy nhót trên những tán lá dừa trước cửa sân giảng đường M, đôi chân của các em sinh viên năm thứ nhất dường như vẫn còn bỡ ngỡ, có phần lạ lẫm với môi trường học tập mới. Thế nhưng, đúng 6 giờ 45 phút khi tiếng chuông ở phòng chờ giáo viên reo vang một hồi dài, sinh viên đã tụ họp khá đông đủ. Học trò ngồi kín hai dãy bàn trong cùng, còn chừa lại mấy bàn đầu dãy ngoài gần hành lang cho những bạn đến lớp muộn. Đó là nội quy của Cô Lê Ngân, người giảng dạy “Kỹ năng mềm” cho sinh viên Trường Đại học Khoa học năm thứ nhất. Với cách điểm danh sáng tạo như vậy, số lượng học trò ngồi dãy ngoài càng về sau càng giảm dần, và chỉ cần đến buổi thứ ba, những bàn lưu danh ấy sẽ không có bạn phải ngồi.

Buổi sáng Cô đến lớp

Cô nhẹ nhàng bước vào lớp, tà áo dài màu xanh thướt tha theo bước chân. Tôi ngồi bàn dưới cùng, với vị trí là một giáo viên trợ giảng, nhìn lên thấy Cô đang khẽ mỉm cười gật đầu chào lại khi học trò phía dưới đứng nghiêm chào Cô. Gương mặt Cô hằn in nhiều nỗi lo toan, vất vả, nhưng lại rất đỗi hiền hòa và ấm áp, vài sợi tóc bạc lấp lánh giữa ánh nắng chiếu qua khe cửa, một cảm xúc thật khó tả dâng lên trong lòng tôi, 

như những lời thơ của tác giả Lê Thị Tính viết về người thầy đáng kính của mình:

“Con biết nói gì trong sáng hôm nay

Bụi phấn mỏng tang mà rơi như rất nặng

Màu thời gian vương tóc thầy điểm trắng...

Và tóc thầy là hoa phấn rưng rưng”.

Học trò của Khoa chúng tôi, hơn 2.200 sinh viên đa phần các em đến từ miền núi và vùng cao. Trong số đó, ai cũng đều sẽ trải qua “cuộc đời” của sinh viên năm nhất và tất cả các em đều được học lớp kỹ năng mềm, là học phần xuất phát trước khi được trang bị kiến thức đại cương, cơ sở ngành và chuyên ngành. Những giờ giảng kỹ năng mềm của Cô Lê Ngân sẽ cung cấp thông tin đa chiều, mang tính thời sự, thiết thực, gắn với đời sống thường nhật để người học dễ hiểu, dễ ngấm. Mỗi giờ giảng sẽ là những bài học, những câu chuyện thật sinh động. Từ đó, rèn rũa cho các em hàng tá những kỹ năng giao tiếp ứng xử quan trọng. Sẽ chẳng ở ngôi trường đại học nào giống như Trường Đại học Khoa học của chúng tôi, khác biệt hơn với những tân sinh viên buổi đầu tiên đến lớp, và được tham gia giờ học kỹ năng mềm do Cô Lê Ngân giảng dạy.

Cô giúp cho những cô cậu học trò áo trắng vừa qua tuổi 18, học cách tự thân, tự lập, tự cường; học cách rèn nhân, rèn tâm, rèn tính; để luôn chủ động, tự xây dựng cho mình ý thức bồi dưỡng thể lực và trí lực, trở thành công dân tốt cho xã hội. Cô là người thầy đặt những viên gạch nền tảng đầu tiên, giúp cho nhận thức, tư duy của các em trở nên mạch lạc và khoa học hơn khi bước chân vào cuộc sống không có sự lựa chọn khác là bắt buộc phải tự trưởng thành.

Ở quê nhà của các em sinh viên, cha mẹ vẫn đang tảo tần vất vả ngược xuôi, đêm ngày lo toan, chạy vạy mọi cách, mọi nơi để có điều kiện chăm lo cho con em mình từ bản làng của cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc, Tà Phình, Nà Sản hay Sín Chải xa xôi... được xuống thành phố Thái Nguyên học tập, mang tri thức về thắp sáng quê hương. Để có tiền học phí, tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền nhà trọ,... cho các em, hàng tháng chi tiêu của cả gia đình sẽ phải cùng nhau thắt lưng buộc bụng, với hàng trăm mối lo rất khắc nghiệt. Trong số các em, cô Lê Ngân luôn biết, có bạn được chu cấp khoảng từ một đến ba triệu đồng, là tiền ở nhà bố mẹ thu hoạch hết cả thửa ngô hoặc đồi chè, đem bán, gửi cho con đi học xa. Có bạn được dăm trăm nghìn với hơn chục ki lô gam gạo và ít trám đen hoặc vài chục quả trứng gà. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, Cô hướng dẫn các học trò của mình cách tự xây dựng kế hoạch chi tiêu, để đến cuối tháng vẫn có thể đủ sinh hoạt phí chi cho học tập nơi đô thị. Tất cả là khát vọng vươn lên, khát vọng thay đổi trong cuộc sống, trong hành trình xây dựng tương lai của các em, và cha mẹ sẽ luôn sẵn sàng hy sinh, đặt niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất khi gửi các em đến với trường đại học.

Cô chỉ bảo cho các học trò, cách ứng xử với tình yêu đôi lứa. Khi các em mười tám, đôi mươi, ở lứa tuổi “đủ nắng thì hoa sẽ nở, đủ yêu thương hạnh phúc sẽ đong đầy”, tình cảm trong sáng của các em sẽ tự nhiên nảy nở từ học tập và lao động. Cho nên, theo Cô Lê Ngân tình yêu sinh viên đáng trân trọng khi các em động viên, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Bài học Cô trang bị cho các bạn là làm sao để có tình yêu sâu sắc, vượt khó và không được dại khờ. Các em luôn cần phải biết cách để đảm bảo an toàn trong quan hệ tình dục, đảm bảo sức khỏe sinh sản, đặc biệt là các nữ sinh miền núi để có những kiến thức và kỹ năng bảo vệ bản thân thật tốt để tránh xảy ra những sai lầm đáng tiếc...Cô hướng dẫn các bạn cách tự bảo vệ mình trước cuộc sống xa nhà có rất nhiều thử thách và rất nhiều cạm bẫy. Cô nói về những chiêu trò của bán hàng đa cấp, những chèo kéo của lô đề...để các em biết mà tránh, đừng bao giờ thử, dù chỉ một lần. Cô trở thành chị Thanh Tâm, thành chuyên gia gỡ rối cho rất nhiều học trò về chuyện học hành, về chuyện cuộc sống, tình cảm, tình yêu...

Với giọng nói ấm áp, từng lời giảng của Cô như lời chỉ bảo ân cần, dung dị, cứ ngấm vào tâm trí người học nhẹ nhàng và tự nhiên tựa hơi thở. Chắc rằng không phải riêng tôi, bất cứ ai khác khi đã gặp Cô Lê Ngân thì cũng đều có cảm xúc giống nhau. Ánh mắt nhìn thân thiện, cái bắt tay nồng ấm, nụ cười luôn thường trực trên môi và hơn hết, tấm lòng Cô bao dung là những gì mọi người nhận xét về Cô. Dường như Cô luôn áp dụng phương châm “roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng” trong vai trò người thầy của mình. Cô đã chắt chiu những gì mình có, kiên trì, nhẫn nại, miệt mài làm việc không mệt mỏi suốt tuổi thanh xuân của một cô giáo nghèo, luôn giản dị, chân phương, thủy chung với nghề.

Những môn học khác mà cô giảng dạy: Văn học Việt Nam hiện đại cho ngành Cử nhân Văn, Công tác xã hội với người cao tuổi cho ngành Công tác xã hội, Văn hóa đạo đức quản lý cho ngành Khoa học quản lý, Kĩ năng giao tiếp nghề cho ngành Luật…đều trở thành những giờ giảng được mong chờ của sinh viên. Các em sẽ được nghe những bài giảng sâu sắc về chuyên môn, hấp dẫn về phong cách, và lắng đọng những bài học làm người. Điều này đã được rất nhiều cựu sinh viên lưu nhớ.

Cuộc đời của giáo chức nghèo trong cơ chế thị trường sẽ gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ và thử thách để bám trụ với nghề. Ở thời điểm ấy, với đồng lương còm cõi, ít ỏi của mình, Cô Lê Ngân vẫn là một nhà giáo mẫu mực và kiên trung, một người phụ nữ đáng khâm phục, không ngại ngần do dự chia sẻ những gì mình có cho thế hệ trẻ. Cô nuôi dạy được hai người con trai trưởng thành, mà một trong số đó hiện nay trở thành giảng viên trẻ của trường Đại học Khoa học, là một nghiên cứu sinh tại Viện Toán học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Với đồng lương giáo viên, nhưng cô chắt chiu không chỉ nuôi con, mà còn nuôi dạy được hàng chục người cháu bên chồng, cho các cháu ở cùng với gia đình mình, lo toan ăn học cho nên người. Các cháu như cháu Dung, Thêu, Mỹ, Dũng, Hoa, Tuấn Anh, Hiệp... đến nay đều đã thành đạt và có công việc đủ đầy. Nghĩ về Cô, tôi thấy hình ảnh Cô thấp thoáng trong lời thơ mà ai đó đã từng viết:

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay;

Người ta bảo là nghề trong sạch nhất;

Có một nghề không trồng cây vào đất;

Lại nở cho đời muôn vạn hoa thơm...”

Giữa bộn bề cuộc sống, người giáo viên nhân dân ấy vẫn luôn dịu dàng, cần mẫn truyền đi trí tuệ và nhiệt huyết, đam mê cống hiến cho đời. Học trò của Cô, có những học viên sau tốt nghiệp thành đạt ở nhiều vị trí khác nhau khắp mọi miền đất nước, người làm doanh nhân, người làm ngân hàng, người làm luật sư, điều tra viên ở Viện kiểm sát, người làm công chức hành chính, có người làm lãnh đạo ở các ngành, địa phương...Những bài học từ Cô Lê Ngân đối với các học trò về chuyên môn đều có giá trị vẹn nguyên như các bài học ứng xử làm người, bài học về cuộc sống, về tình yêu, về đối nhân xử thế trong đời sống xã hội. Lại có những hoàn cảnh gia đình khiếm khuyết, hay người chuyển giới, như nhạc sĩ “Ông bà anh” Lê Thiện Hiếu, khi nhắc đến cô giáo Lê Ngân của mình cũng không khỏi rưng rưng xúc động, vì khi xưa, Hiếu từng là cô gái Phương Thảo mồ côi mẹ, được Cô cưu mang, dạy dỗ và chắp cánh ước mơ trở thành ca sĩ, nhạc sĩ sau này. Có em đồng tính như Nguyễn Bằng Giang, một học sinh lớp chuyên Nga, đến từ huyện Võ Nhai của tỉnh Thái Nguyên. 

Cô Lê Ngân và Nguyễn Bằng Giang - thành viên câu lạc bộ LGBT

Cũng vào một buổi sáng mùa thu tháng tám, Bằng Giang đến gặp Cô với đôi mắt đượm buồn, khiến cho Cô sau khi nghe hết câu chuyện tủi hờn, chạy trốn giới tính của bản thân, mà Cô muốn ôm em ấy vào lòng, vì hiểu và thương em quá. Sau khi trò truyện với Cô, Bằng Giang được hiểu, được cảm thông, được đồng cảm và tự tin sống với giới tính hiện tại của chính mình. Chỉ một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và nhanh chóng, mà sau đó Cô Lê Ngân quyết định đồng ý cho tổ chức chương trình “Ngày hội IDAHOT” ngày 16/5/2017, để giúp các bạn trong cộng đồng LGBT nói lên tiếng nói của mình, cùng chung tay chung sức với xã hội thực hiện các hoạt động nhằm chống phân biệt đối xử, bạo lực học đường và xây dựng một môi trường học tập bình đẳng, thân thiện. Đó thực sự là một chương trình hết sức ý nghĩa.

Có viết về Cô Lê Ngân, tôi lại có thêm thời gian và điều kiện để nghĩ về tập thể 37 thành viên, về những người sống quanh mình, họ như gia đình thứ hai của tôi, đã cùng bên nhau đi qua nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu chung của Khoa và Nhà trường.

TS. Lê Ngân cùng tập thể Khoa Luật và Quản lý xã hội

Tuy không là một sự tuyệt đối nhưng những đồng nghiệp quanh tôi luôn biết sống sẻ chia, giúp đỡ nhau một cách chân thành, không đòi hỏi hay toan tính. Tôi may mắn khi có những người đồng nghiệp như thế... Và có được điều đó phần lớn là do cô Trưởng Khoa của tôi. Cô không chỉ chăm chút, dạy bảo, uốn nắn chúng tôi trong công tác, mà Cô thường chỉ dạy chúng tôi một cách rất chân thành, truyền đạt tình yêu nghề và sự cống hiến không ngừng cho sự lớn mạnh vươn lên không ngừng của thế hệ giảng viên trẻ trong ngôi nhà Khoa Luật và Quản lý xã hội.

Nguồn lực hạn chế về mọi mặt, nhưng hoạt động và chương trình đào tạo của Khoa làm sao hướng nghiệp cho người học, giúp sinh viên hội nhập với xã hội nghề nghiệp là tất cả những điều Cô trăn trở, thực hiện. Hàng năm, Cô tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa, thực tế, nghiên cứu khoa học ngoài giảng đường trong điều kiện giới hạn về nguồn kinh phí tài chính. Nhưng khi chúng tôi đi đến các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội... đoàn thực tế và nghiên cứu do Cô Lê Ngân, Trưởng Khoa Luật và Quản lý xã hội tổ chức luôn gặt hái nhiều thành công và mang lại các giá trị ứng dụng hữu ích cho người học. Mỗi chuyến đi là một lần trải nghiệm về chuyên môn và cuộc sống. Mỗi chuyến đi là thêm một lần thấy yêu thương nhau, khi được cùng nhau chia sẻ gian khó, cùng nhau làm được những điều ra ngoài cả chuyên môn. Mỗi chuyến đi là một chuỗi kết hợp các hoạt động làm công tác xã hội, từ thiện với bà con nơi mình đến từ tấm lòng chứ không cần bất cứ một sự quảng cáo, hình thức mang tính “PR”. Vì thế, mỗi khi chúng tôi tạm biệt nơi đi thực tế, bà con lưu luyến chẳng muốn rời, mỗi khi có dịp quay lại nơi mình đã ở, được bà con  đón như những người thân. Có lần cô nói với tôi: Yêu nghề và yêu người, hãy làm giáo dục. Hãy đối xử với mỗi người học như thể ngày mai mình sẽ không thể gặp lại họ. Hãy lên lớp mỗi giờ như ngày mai mình sẽ phải tạm biệt giảng đường. Hãy nhớ mỗi ngày là một ngày đặc biệt, vì nó không trở lại bao giờ. Có như thế, mới có động lực tốt nhất để có những giờ giảng  tốt nhất, có những yêu thương nhất dành cho học trò.

Bước sang tuổi ngũ tuần,  đôi bàn chân Cô chưa hề biết mỏi. Tay viết bảng, phấn vẫn rơi đều lên mái tóc. Thậm chí người bạn đời của Cô còn hay khẽ mắng hết sức yêu thương rằng, người vợ giáo viên của mình nên có chủ nhật tuần thứ 5 trong tháng để dành chút thời gian riêng tư cho bản thân, gia đình, vì hoạt động giảng dạy và nghiên cứu của Cô Lê Ngân gắn liền với những chuyến đi xa.

Trên những nẻo đường của tổ quốc xanh tươi, đặc biệt là đối với học viên, sinh viên miền núi, Cô đều không quản ngại khó khăn, gian khổ, để chắt lọc nhựa sống trong mình ươm những mầm xanh tuyệt đẹp cho xã hội, cho đời. Với Cô, dù là công tác chuyên môn, dù là trong công việc với đồng nghiệp, hoặc trong nếp sống giản dị với người thân ở gia đình, dù đi đâu hay làm gì, Cô cũng dành trọn chữ Tâm và chữ Tình vào đó để hoàn thành tốt nhất.  Dạy học trò, và tất cả các em say mê học tập, vì đam mê hơn là áp lực điểm số. Điều hành, lãnh đạo hoạt động của Khoa với tư cách là người đứng đầu 3 ngành đào tạo: Luật, Khoa học quản lý, Công tác xã hội, mọi cán bộ giảng viên luôn nỗ lực hợp tác và hoàn thành công việc vì yêu thích hơn là vì sợ hãi hoặc áp lực công tác. Cái tài của Cô Lê Ngân ở đó, cái tình của người quản lý ở đó, luôn tạo được động lực làm việc cho đội ngũ nhân sự trong Khoa, và luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho từng cá nhân phát huy năng lực, sở trường, tài năng mình có...

Cô Lê Ngân mãi là người thầy trong trái tim tôi, người sống và cống hiến với “Tâm nghề” trong sáng nhất. Cô luôn là tấm gương cho mỗi chúng tôi noi theo, được học Cô để mỗi ngày có thể trưởng thành hơn, sâu sắc hơn, bao dung và tình nghĩa hơn... Nghề giáo luôn là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, và với tấm lòng, trái tim, nhiệt huyết của Cô, sẽ mãi là ngọn lửa soi sáng khắp mọi nẻo đường, khai sáng khắp mọi tâm hồn và trí tuệ cho lớp lớp thế hệ sinh viên của Trường Đại học Khoa học thân yêu.

Tháng 8 năm 2017.

Học trò nhỏ của Cô

Cúc Họa mi