Truyền thông hạn chế sử dụng túi nilon cho sinh viên ký túc xá trường Đại học Khoa học Thái Nguyên

Ngày: 06/11/2018

            Rác thải đang là vấn đề bức xúc ở nước ta hiện nay. Mỗi năm có khoảng hơn 15 triệu tấn chất thải rắn phát sinh trên cả nước và theo dự báo thì tổng lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng trong những thập kỷ tới đây, đặc biệt ở các đô thị lớn, khu du lịch. Chất thải rắn được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau.Trong số hơn 15 triệu tấn CTR có khoảng 12,8 triệu tấn (khoảng 80% tổng lượng chất thải) phát sinh từ các hộ gia đình, nhà hàng, chợ, khu kinh doanh;  2,6 triệu tấn (chiếm 17%) từ các cơ sở công nghiệp và khoảng 160.000 tấn (chiếm 1%) là chất thải nguy hại (gồm chất thải y tế nguy hại, các chất dễ cháy, chất độc hại từ công nghiệp, các loại thuốc trừ sâu, thùng chứa thuốc, vỏ, bao bì). Lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị ở nước ta phát sinh ngày càng tăng, tính trung bình mỗi năm tăng khoảng 10-15%, đặc biệt, lượng chất thải nhựa, trong đó có túi nilon đang gia tăng một cách đột biến.

Túi nilon và những sản phẩm của nó được sử dụng rất phổ biến trong đời sống hằng ngày của con người: đóng gói thực phẩm, bột giặt, bảo quản nước đá, các loại chế phẩm hóa học hay đựng những phế liệu nhỏ, lưu hành từ chợ cho đến các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, những người bán hàng rong, len lỏi vào mọi nơi của cuộc sống hiện đại.Khi mới xuất hiện, nhiều người tiêu dùng còn coi đây là một phát minh quan trọng cho cuộc sống. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đã biết hàng loạt tác hại lâu dài của chúng đối với sức khỏe con người và môi trường, thậm chí người ta đã phải gọi túi ni-lông là ô nhiễm trắng.

Sau khi hoàn thành chức năng của mình thì những túi nilon này sẽ tràn ngập các bãi rác, chôn vùi dưới lòng đất, ao hồ, cống, rãnh… Các nhà khoa học đã nghiên cứu và nhận thấy ni-lông có bảy tác hại lớn:gây xói mòn đất đai(túinilon lẫn vào đất làm cản trở quá trình sinh trưởng của các loại thực vật bị nó bao quanh, cản trở sự phát triển của cỏ dẫn đến hiện tượng xói mòn đất đai), tàn phá hệ sinh thái(túi nilon nằm trong đất khiến cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, cây trồng trên đất đó không phát triển được vì không thể chuyển nước và chất dinh dưỡng cho cây, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ sinh thái), gây ngập úng lụt lội( bao bì nilon bị vứt xuống cống, hồ, đập thoát nước làm tắc nghẽn các đường ống dẫn nước thải làm tăng khả năng ngập lụt của các đô thị vào mùa mưa), hủy hoại sinh vật (bao bì nilon bị trôi xuống hồ, biển làm chết các vi sinh vật khi chúng nuốt phải, nhiều động vật đã chết do ăn phải những hộp nhựa đựng thức ăn thừa của khách tham quan vứt bừa bãi), gây tổn hại sức khỏe(đặc biệt bao bì nilon màu đựng thực phẩm làm ô nhiễm thực phẩm do chứa các kim loại như chì, ca-đi-mi gây tác hại cho não và nguyên nhân gây ung thư phổi. Nguy hiểm nhất là khi bao bì ni-lông bị đốt, các khí thải ra đặc biệt là khí đi-ô-xin có thể gây ngộ độc, gây ngất, khó thở, ho ra máu ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh), ô nhiễm môi trường(sự lạm dụng các sản phẩm nilon cùng với sự bừa bãi, vô ý thức của con người khiến cho nó trở thành thứ rác bị vứt bừa bãi, không chỉ làm mất mỹ quan đường phố mà còn là tác nhân chứa vi khuẩn gây bệnh, làm tắc nghẽn cống rãnh, gây ứ đọng nước thải, hôi thối, ô nhiễm môi trường), nguy hiểm nhất, túi nilongây ung thư, biến đổi giới tính (những chất phụ gia được dùng để tạo độ dẻo, dai ở túi ni-lông có khả năng gây độc cho người nếu bị làm nóng ở nhiệt độ cao. Ở nhiệt độ 70-80 độ C, phụ gia chứa trong túi ni-lông sẽ hòa tan vào thực phẩm. Trong đó chất phụ gia hóa dẻo TOCP có thể làm tổn thương và thoái hóa thần kinh ngoại biên và tủy sống; chất BBP có thể gây độc cho tinh hoàn và gây một số dị tật bẩm sinh nếu thường xuyên tiếp xúc với nó).

Là một trong những trường Đại học lớn trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, với đặc thù là một trường đại học nghiên cứu và ứng dụng khoa học, giảng viên trong Trường luôn có những thay đổi phương pháp giảng dạy, tích cực đẩy mạnh thực hành, thực tế, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay Trường Đại học Khoa học có khoảng 700 sinh viên đang sống trong ký túc xá. Công tác quản lý môi trường trong ký túc xá ngày càng được hoàn thiện. Môi trường sống và học tập của sinh viên được đảm bảo. Tuy nhiên, trong xu thế chung, lượng rác thải sinh hoạt, đặc biệt là túi nilon từ khu ký túc xá ngày một lớn, đặt ra một yêu cầu bức thiết về giải pháp hỗ trợ và tuyên truyền tới sinh viên về hạn chế sử dụng túi nilon .

Tối ngày 04 tháng 11 năm 2018, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, lãnh đạo Khoa Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý ký túc xá, giảng viên Nguyễn Thị Hồng Viên đã tổ chức cho sinh viên lớp Khoa học Môi trường K13-14 thực hiện Chương trình truyền thông “Hạn chế sử dụng túi nilon” cho sinh viên ký túc xá Đại học Khoa học.

Chương trình đã kết hợp nhiều hoạt động đa dạng, phong phú nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của sinh viên về túi nilon, định hướng các hành động và hướng dẫn sinh viên hạn chế sử dụng túi nilon: Thuyết trình, hoạt động văn nghệ, trò chơi ô chữ... Đặc biệt, với cuộc thi “Cùng tìm hiểu về túi nilon”, các bạn sinh viên đã được tự thực hành tái chế quần áo cũ thành các loại túi thân thiện với môi trường: túi đựng bút, túi xách đi học, đi chơi bằng vải...

Bạn Tưởng Ngọc Hoàng - Sinh viên lớp Cử nhận Địa lý k14 sau khi tham gia chương trình chia sẻ: “Mình hiểu được thêm về tác hại của túi nilon và những việc mình có thể làm để hạn chế sử dụng túi nilon. Mình sẽ thực hành các giải pháp đã được giới thiệu trong chương trình và vận động bạn bè cùng hưởng ứng. Đây là hoạt động hay và ý nghĩa, rất cần thiết cho sinh viên”.

Mục tiêu của chương trình là hạn chế sử dụng túi nilon. Rất nhiều bạn sinh viên tham gia chương trình đều có chung suy nghĩ sẽ chung tay cùng giảm thiểu sử dụng túi nilon, từ chối khi có thể để bảo vệ môi trường vào cuộc sống hàng ngày.

Biểu diễn thời trang từ túi nilon đã qua sử dụng

Các bạn sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng panner Không chất thải nhựa của chương trình

Cuộc thi Hoa hậu túi 2018

Đại diện các Câu lạc bộ tình nguyện của Đại học Thái Nguyên chụp ảnh lưu niệm

Đội thi đạt giải ba cuộc thi Cùng tìm hiểu về túi nilon

Đội thi đạt giải nhất cuộc thi Cùng tìm hiểu về túi nilon

Đội thi đạt giải nhì cuộc thi Cùng tìm hiểu về túi nilon

PGS.TS. Ngô Văn Giới - Trưởng Khoa Tài nguyên và Môi trường cùng Ban quản lý Kí túc xá Trường Đại học Khoa học tham dự chương trình

Sinh viên người Lào trong chương trình

ThS. Nguyễn Thị Hồng Viên - GV Giáo dục truyền thông môi trường nhận xét, tổng kết cuộc thi Cùng tìm hiểu về túi nilon

 

Nguyễn Thị Hồng Viên - Giảng viên, Khoa Tài nguyên và Môi trường