Tăng cường học phần thực tập, thực tế tại địa phương, doanh nghiệp trong các chương trình đào tạo tại trường Đại học Khoa học

Ngày: 14/06/2021

Với phương châm học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế, thầy và trò Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên luôn không ngừng học tập rèn luyện phát huy hiệu quả công tác dạy và học.

Ngay từ năm học thứ Nhất, thứ Hai, sinh viên của Trường đã được học tập trong môi trường thực tế thông qua nhiều học phần khác nhau như: Môi trường và phát triển bền vững (Khoa Du lịch, Khoa Luật), Ô nhiễm môi trường, Tài nguyên thiên nhiên... (Khoa Tài nguyên và Môi trường). Việc tiếp cận với hoạt động thực tập, thực tế sớm trong dạy và học giúp sinh viên  nâng cao khả năng tư duy, nhận diện vấn đề và tìm hướng giải quyết vấn đề thực tế của địa phương ngay từ những năm đầu ngồi trên ghế nhà trường.

Sinh viên Khoa Du lịch tham gia học tập trải nghiệm học phần Môi trường và phát triển bền vững tại làng nghề gỗ Xuân Phương, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên

Sinh viên Khoa Tài nguyên và Môi trường thực tập thiên nhiên tại Sa Pa

Sang năm thứ Ba, sinh viên tiếp tục được thực hành, thực tế, thảo luận thông qua các học phần chuyên ngành như: Công nghệ môi trường, Đánh giác tác động môi trường, Quan trắc môi trường, Thực tế 2, GIS... (Khoa Tài Nguyên và Môi trường); Văn hóa ẩm thực, Nghiệp vụ tổ chức team building, Marketing Du lịch, Quản trị nhà hàng... (Khoa Du lịch); Chứng cứ, chứng minh trong đố tụng, Luật Cạnh tranh, Thực tế thiên nhiên 2 (Khoa Luật); Thực hành công tác xã hội (Khoa Văn – Xã hội)...

Việc thực tập, thực tế ở các học phần chuyên ngành giúp sinh viên Nhà trường củng cố kiến thức chuyên môn, phát triển kỹ năng nghề nghiệp và nắm bắt được những vấn đề trong thực tế mà ngành phải giải quyết; thông qua khả năng tổng hợp thông tin, phân tích vấn đề để đánh giá sự vật hiện tượng một cách khách quan khoa học.

Sinh viên Khoa Tài nguyên và Môi trường tham gia thực tập tại Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Điềm Thụy, Thái Nguyên

Đến năm cuối, sinh viên tiếp tục được trang bị các kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu và các kỹ năng thực hành nghề nghiệp thông qua các học phần Quản lý chất thải nguy hại, Xử lý nước cấp, Thực tập sản xuất...(Khoa Tài nguyên và Môi trường); Tổ chức sản xuất báo in, báo điện tử, Tổ chức sản xuất chương trình phát thanh truyền hình, Thực tập Báo chí... (Khoa Báo Chí và Truyền thông). Có thể nói, chính hoạt động thực tập thực tế tại địa phương, doanh nghiệp là một phần không thể thiếu và cần được đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa trong thời gian tới để giúp sinh viên Khao học sẵn sàng thích ứng với yêu cầu làm việc của xã hội, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.

(TS. Nguyễn Thị Đông – Khoa Tài Nguyên và Môi trường )