Chọn nghề

Ngày: 16/11/2018

Năm nào cũng vậy, trước và sau kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng vài tháng, vấn đề chọn nghề, chọn trường lại nổi lên, không chỉ làm đau đầu thí sinh, gia đình, tạo ra áp lực với các trường chuyên nghiệp mà còn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội. Cách đây hai chục năm, khi các trường đại học vẫn kiêu hãnh cùng lời châm ngôn: Cổng trường Đại học cao vời vợi/ Mười đứa leo lên chín đứa rơi, thì yếu tố quan trọng để thí sinh quyết định lựa chọn ngành nghề chính là sự “vừa sức”, miễn sao thi đỗ, mọi thứ tính sau. Nhưng ngày nay, ngoài một số rất ít trường vẫn được coi là “có giá”, đại đa số các cơ sở đào tạo, từ trung cấp nghề đến ĐH, sau ĐH đều mở cửa chào đón thí sinh, cho họ quyền chọn lựa. Trong hoàn cảnh ấy, điều gì chi phối nhiều nhất đối với sự quyết định của họ? Chắc chắn, đó là cơ hội nghề nghiệp sau ra trường.

Cơ hội nghề nghiệp chi phối sự lựa chọn ban đầu của thí sinh, ảnh hưởng tới tâm lý, nỗ lực của họ trong suốt quá trình học tập và là thước đo để đánh giá độ “vip” của nhà trường. Vào mỗi giai đoạn, xã hội lại tỏ ra ưu ái với một ngành đào tạo nhất định, khi khoảng trống cho cơ hội việc làm rộng mở. Đó là Ngoại thương, Kinh tế của vài năm trước, là Luật, An ninh, Du lịch của mấy năm gần đây, và nhất định là một vài ngành khác của tương lai 1, 2 năm nữa. Khi nhu cầu xã hội cần, điều đương nhiên, người ta sẽ đổ xô vào để bắt kịp thời đại, đưa những ngành ấy lên tầm đẳng cấp. Vấn đề này cũng khiến các tân sinh viên nhấp nhổm đứng núi này trông núi khác trong suốt mấy kỳ học. Ở hầu hết các trường chuyên nghiệp, sau một hay vài kỳ học đầu tiên, sinh viên sẽ dần rơi rụng khi họ lo ngại trước tương lai sau tốt nghiệp hay nghe ai đó nói về một ngành khác rộng mở hơn.

Phải khẳng định rằng, trước thực trạng cử nhân thất nghiệp và thiếu việc làm ngày một gia tăng thì sự quan tâm đến cơ hội xin việc ngay từ khi đặt bút viết vào tờ giấy đăng ký chọn trường là sáng suốt. Tuy nhiên, cơ hội “đầu ra” không quyết định toàn bộ sự thành bại sự nghiệp của một người khi mà nhu cầu xã hội thay đổi từng ngày và chặng đường 4, 5 năm học Đại học không phải là ngắn. Năm trước, sau kỳ thi THPT Quốc gia, trên báo điện tử VnExpress, tác giả Nguyễn Quốc Toàn đã có một bài viết mang tên: “Tương lai bất định” rất đáng đọc, nếu bạn hay người thân đang quá lệ thuộc vào cái gọi là cơ hội việc làm: “Cách đây hơn 11 năm, không ai tiên đoán được một ngày nào đó, “báo lớn nhất thế giới” lại là trang mạng xã hội Facebook và sẽ làm hàng nghìn nhà báo mất việc. Sự sụp đổ không ngờ của thị trường tài chính và bất động sản ở Việt Nam gần đây đã biến việc học ngành tài chính, ngân hàng có nguy cơ lỗi mốt. Mười năm trước, mấy ai nghĩ rằng có một ngày ngành nông nghiệp, dịch vụ và du lịch, nhà hàng, khách sạn lại trở thành những ngành và nghề đang rất “thời thượng” ở Việt Nam hiện nay. Sự bất định của tương lai trong một thế giới thay đổi chóng mặt sẽ làm phần lớn những định hướng và kế hoạch của các bạn trẻ và cha mẹ không còn chính xác nữa”. Chuyện “dễ xin” của một ngành có thể là đúng với năm nay, sang năm nhưng sẽ là quá khứ sau 4, 5 năm nữa – khoảng thời gian trung bình cần có để một người học hoàn thành tấm bằng cử nhân và ôm nó đi kiếm việc. Sau mỗi khóa, hàng ngàn cử nhân đã ra trường sẽ lấp dần cơ hội ấy. Và một ngành khác hẳn sẽ lại lên ngôi.

Quan niệm học ngành gì, cuộc đời sẽ gắn bó với nghề ấy có lẽ đã lỗi thời. Trong xã hội hiện đại, nhà tuyển dụng thực sự cần kỹ năng hơn một tấm bằng phù hợp chuyên ngành theo cách tuyển người thời bao cấp. Người viết nhấn mạnh điều ấy bởi đã chứng kiến những sinh viên tự khép lại “cơ hội” của mình chỉ bởi quan niệm: học ngành này không cơ hội. Thay bằng việc chú tâm học hành, rèn luyện kỹ năng, tìm kiếm điểm mạnh để thuyết phục cho chính mình thì họ để 4 năm Đại học trôi đi trong vô nghĩa với những lời thở than: Học xong cũng chả làm gì!

Đa phần những tấm gương thành đạt trên thế giới mang một điểm chung, đó là thử sức với nhiều công việc, để trải nghiệm, học hỏi, để tìm kiếm đam mê và thế mạnh thực sự của mình. Chắc chắn, họ không bó hẹp tương lai của mình vào quan niệm “ngành hot” khi mới chỉ tốt nghiệp THPT và càng không để nỗi ám ảnh “nghề dễ xin” điều khiển mình như một con rối.

Suối Linh

(KHOA DU LỊCH)